Aks Mac | Chia sẻ cùng phát triển

Vượt biển lớn - Cách đi lên từ người khởi nghiệp 5 xu - Nguyễn Thái Duy

Vượt biển lớn - Cách đi lên từ người khởi nghiệp 5 xu - Nguyễn Thái Duy

"Không quan trọng người khác đánh giá về bạn như thế nào, quan trọng là bạn đã chứng minh bản thân mình như thế nào".
Câu nói này thật ấn tượng với tôi khi nó được đặt ở mục lục của cuốn sách.  Nó thôi thúc thôi tiếp tục đọc nó khi tôi là một đứa không ham đọc sách cho lắm.
Với tôi, bất cứ quyển sách nào để đọc đều bắt đầu bằng mục lục. Tôi xem trong đó có những gì? Tôi xem mình sẽ tìm kiếm được gì từ cuốn sách đó.
Và dưới đây là những gì tôi còn đọng lại sau khi đọc cuốn sách " Vượt biển lớn" này:

1. Nguyễn Thái Duy thông qua cuốn sách để nói về cuộc đời mình. Ông đã vượt quan những gian nan, vất vả và khổ sở như thế nào để có được như ngày hôm nay.
Tôi nghĩ, tôi có đọc được ở đâu một câu nói tựa như thế này để diễn tả những gì tôi cảm nhận được:
- Chúng ta không có quyền chọn cho mình hoàn cảnh sinh ra nhưng chúng ta có quyền chọn cho mình cách sống, cách tiếp tục và cách để thành công.

2. Khi đi tuyển dụng, các bạn trẻ hãy tạm đừng quan tâm tới việc bạn sẽ được trả lương bao nhiêu mà hãy xem bạn sẽ làm được gì để họ đưa ra một mức lương xứng đáng với bạn.
TD: Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu nếu như bạn được tuyển vào công ty chúng tôi?
Duy: Tôi không quan trọng mức lương mà công ty các ông sẽ trả cho tôi. Tôi chỉ muốn một môi trường để khẳng định mình. Các công có thể căn cứ vào năng lực làm việc của tôi để đưa ra một mức lương phù hợp.
TD: Bạn thực sự không muốn đưa ra một con số cụ thể sao?
Duy: Tôi tin các ông sẽ biết trọng dụng người tài và có những chế độ đãi ngộ xứng đáng. Vấn đề của tôi là chứng minh cho các ông thấy tôi xứng đáng.
Thật sự tôi rất ấn tượng về những điều trên.

3. Tiếp thị sản phẩm
Tìm hiểu rõ về sản phẩm của mình, đối thủ và đứng vào vị trí của người mua hàng. Họ thực sự cần điều? Nắm bắt được tâm lý khách hàng, ắt sẽ bán được hàng.

4. Khi bạn làm công tốt, liệu chắc bạn có làm chủ tốt.
Nếu bạn muốn sự ổn định hay chính xác hơn "nghèo ổn định" thì bạn cứ tiếp tục với con đường người làm công tốt của mình.
Nhưng, nếu bạn muốn 1 cuộc sống đầy đủ, không phải lo việc cơm ăn áo mặc hàng ngày thì hãy tập làm chủ. Có thể bạn sẽ thất bại trong những lần đầu nhưng hãy rút kinh nghiệm và đúng dậy tiếp tục. Chắc chắn thành công sẽ đến với bạn một ngày không xa.

5. Học
Học là một câu chuyện dài mà nói thì chắc sẽ không bao giờ hết được.
Ở đây, Nguyễn Thái Duy dù đã có nhiều những thành công nhưng vẫn liên tục đầu tư học hỏi để phát triển. Điển hình là việc sang Singapore và anh đã tìm ra hướng đi mới cho bản thân.
"Học, học nữa, học mãi"- " Đi một ngày đàng - học một sàng khôn".

6. Hãy khởi nghiệp ngay cả khi bạn không có gì trong tay.
Đoạn tiêu đề trên có lẽ không đúng lắm nhưng tôi chưa tìm được từ nào phù hợp hơn ở tại thời điểm này nên tạm thời tôi sẽ để như vậy.
Bạn muốn giàu có?
Đó là câu hỏi của tôi cho chính mình. Và câu trả lời: Chắc chắn rồi.
Khi bạn còn trẻ, ngoài nhiệt huyết ra thì bạn không có nhiều thứ để mất hơn khi bạn đã có gia đình. Vậy nên chẳng có lí do gì để chúng ta không thử khởi nghiệp?
Khi chúng ta khởi nghiệp, chúng ta không có nhiều vốn. Chúng ta phải uyển chuyển xoay sở linh hoạt hơn.
Ví dụ như: Nguồn hàng lấy ở đâu, làm sao để khách hàng đặt cọc nhiều hơn, nói chuyện lấy lòng nhà cung cấp như thế nào để họ cho khất nợ, cách sống cách ở như thế nào để nhân viên chấp làm việc trong những ngày đầu khó khăn
Sau một thời gian thì bạn sẽ thấy mình giỏi hẳn lên. Kinh nghiệm làm chủ tăng lên đáng kể.
Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách.
Thêm một số từ khóa khác: Sử dụng câu hỏi ngược,  Kỹ năng đàm phán.

Tổng kết:
Thực chất cuốn sách mang tính quảng cáo, đánh bóng thương hiệu cá nhân hoặc thể hiện cái tôi của tác giả nhiều hơn là một cuốn sách truyền lửa hay truyền đạt kiến thức.
Tuy nhiên, cuốn sách lại mang đến một câu nói rất hay:
“Trong cuộc sống không có gì cản chân bạn, luôn có cách gì đó để giải quyết, quan trọng là bạn luôn phải nỗ lực đến cùng.”
Cảm nhận mang tính cá nhân, không có hàm ý bôi xấu tác giả hay công ty liên quan.
Nếu có thể thì mọi người cũng nên đọc nó.
Nếu bạn có ý kiến về bài viết xin hãy góp ý dưới phần nhận xét.
Xin cám ơn.

Gắn tên tuổi cá nhân vào thương hiệu công ty: Lợi ít hại nhiều, ông chủ nào cũng nên cân nhắc!

Khi khởi nghiệp, rất nhiều doanh nhân mong muốn sử dụng tên riêng của mình để đặt cho công ty. Thương hiệu cá nhân có thể giúp doanh nhân đó xây dựng nên một di sản, xây dựng được một đế chế cho con cháu về sau, hoặc hấp dẫn hơn là biến mình thành một người nổi tiếng...

Gắn tên tuổi cá nhân vào thương hiệu công ty: Lợi ít hại nhiều, ông chủ nào cũng nên cân nhắc!
Nhưng thực tế đã chứng minh, thương hiệu cá nhân về lâu dài sẽ là vật cản lớn nhất để xây dựng một sự nghiệp ổn định và thành công.
Thương hiệu cá nhân là một gánh nặng cho tương lai
Tình yêu, lòng trung thành và sự kiêu hãnh sẽ ảnh hưởng rất lớn khi công ty gắn liền với tên tuổi của bạn được đưa ra bàn đàm phán. Nếu trong trường hợp công ty thua lỗ, doanh nhân thường thà chấp nhận phá sản, còn hơn bán rẻ tên tuổi của mình cho một người khác.
Hoặc khi công ty làm ăn có lãi và đang cần kêu gọi vốn, tên tuổi riêng sẽ khiến chủ doanh nghiệp tự tin định giá công ty vượt xa giá trị thật của nó, khiến các nhà đầu tư có thể nghi ngại khi góp vốn.
Vì: Không ai coi trọng tên tuổi của riêng bạn bằng chính bạn.
Nói một cách đơn giản hơn, tưởng tượng bạn đang có một chiếc đồng hồ có giá trị và bạn đang cần tiền. Bạn sẽ nhanh chóng bán chiếc đồng hồ đó đi đúng không nào. Nhưng nếu chiếc đồng hồ đó là của ông bạn để lại trước khi qua đời. Bạn có nỡ bán nó đi? Nếu bạn quyết định bán nó, bạn có thể chấp nhận được mức giá phũ phàng của bên mua đưa ra? Và mọi chuyện còn khó khăn hơn khi chiếc đồng hồ được khắc tên ông của bạn.
Tính xa hơn nữa, nếu như công ty bạn làm ăn có lãi và hiện nó đã trở thành một tập đoàn lớn, đa ngành nghề. Liệu bạn có sẵn sàng để danh tiếng của mình vào tay người khác?
Thương hiệu cá nhân xóa mờ ranh giới “công – tư”
Bộ não con người sẽ kết nối một thương hiệu với cảm xúc và ký ức gắn liền với nó. Thương hiệu cá nhân sẽ khiến mọi tầng lớp khách hàng nhớ tới “vị doanh nhân”, nhiều hơn là sản phẩm hay dịch vụ được cung cấp.
Donald Trump, trước khi là một Tổng thống, ông đã là doanh nhân. Ông xây dựng tên tuổi của mình gắn liền với sự xa xỉ và mạo hiểm trong kinh doanh. Hơn 300 thương hiệu gắn liền với Trump đã được bảo hộ với giá trị hơn 3 tỷ USD như: “Donald Trump, The Fragrance,” “Trump Ice”, “Trump Steaks”, “The Donald”.
Nhưng khi chuyển qua sự nghiệp chính trị, chính sách thắt chặt người nhập cư, cái nhìn phân biệt với người Do Thái và những phát ngôn thiếu tôn trọng nữ giới của ông luôn được truyền thông nắm lấy và thổi phồng lên. Công việc kinh doanh của vị tổng thống mới đắc cử này qua đó cũng bị ảnh hưởng.
Không những thế, sau khi đắc cử, mọi sai lầm và scandal cũ trong kinh doanh của ông liên tục bị dư luận đem ra chỉ trích và “Trump” trở thành một đối tượng bị chế giễu thường xuyên của truyền thông.
Benjamin Franklin từng nói: “Phải làm nhiều việc tốt mới gây được tiếng tăm tốt, và chỉ cần một việc xấu ta có thể đánh mất tất cả.”
Thương hiệu cá nhân sẽ khó đem lại một “cái kết có hậu”
Những trường dạy kinh doanh thường nhấn mạnh với học viên của mình rằng: “Khi bắt đầu kinh doanh, hãy tính trước việc bạn sẽ kết thúc sự nghiệp như thế nào.” Doanh nhân có thể không cần nhà đầu tư, đối tác hoặc không cần tạo nên một di sản cho con cháu. Bạn có thể tự tay xây dựng tên tuổi và sự nghiệp của riêng mình, nhưng sự nghiệp thành công nhất cũng chỉ tồn tại lâu bằng… số năm tuổi của bạn.
Sau khi bạn không còn nữa, doanh nghiệp và tên tuổi của bạn sẽ được tiếp tục kế thừa và “chinh chiến” với hàng loạt rủi ro khác nhau trên thị trường. Liệu bạn có muốn người đời sau này vẫn tiếp tục “réo” tên cả khi mình đã nằm yên từ lâu dưới 10 tấc đất?
Kết luận
Dù cho việc tạo dựng sự nghiệp lẫy lừng với tên tuổi riêng được nhiều người nể trọng có hấp dẫn đến thế nào đi nữa, bạn cần cân nhắc rất kỹ trước khi sử dụng chính tên tuổi của mình để làm thương hiệu kinh doanh. Từ lúc khởi đầu, phát triển cho đến khi đối mặt với khủng hoảng và kết thúc sự nghiệp, một thương hiệu cá nhân sẽ có nhiều bất lợi hơn so với những lợi ích mà nó đem lại.
Người doanh nhân cần xác định rõ thương hiệu công ty luôn phải đứng cao hơn thương hiệu cá nhân. Dù rất nhiều thương hiệu thành công giai đoạn đầu dựa rất lớn vào thương hiệu cá nhân. Nhưng các doanh nghiệp quản trị tốt thường có kế hoạch để sự phụ thuộc vào nhân hiệu ngày càng giảm dần và có sự kế thừa, thay thế hợp lý.
Lê Thanh Sang
Theo Nhịp Sống Kinh Tế

Bí quyết xây dựng thương hiệu bằng website

Thiết kế website bán hàng đang là giải pháp được đông đảo start-up lựa chọn khi kinh doanh online vì tiết kiệm nhiều chi phí và tiếp cận lượng khách hàng lớn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng website cũng là một công cụ hỗ trợ xây dựng thương hiệu trong môi trường trực tuyến cực kì tốt. Dưới đây là một số bí quyết tận dụng website để nâng tầm và đưa hình ảnh của cửa hàng đến với nhiều người dùng hơn.

  1. Biến website thành một yếu tố trong bộ nhận diện thương hiệu

Bộ nhận diện thương hiệu của một cửa hàng bất kỳ thường bao gồm logo, họa tiết trang trí, màu sắc, đồng phục nhân viên, tên thương hiệu,… Những yếu tố này phải có sự đồng bộ với nhau, thể hiện được tầm nhìn, mục tiêu chung mà chủ cửa hàng muốn truyền tải. Website thực ra cũng tương tự như một cửa hàng vật lý, là nơi để bạn giới thiệu thông tin của mình, trưng bày sản phẩm và các dịch vụ, vì vậy bạn cũng có thể biến nó thành một yếu tố trong bộ nhận diện thương hiệu.
Khi thiết kế website bán hàng bạn cần chú ý đến phong cách chung, màu sắc chủ đạo, chèn logo, khẩu hiệu,… sao cho khớp với cửa hàng vật lý của mình. Như vậy khách hàng sẽ dễ nhận ra bạn hơn dù trong môi trường truyền thống hay trực tuyến đi nữa.
  1. Biến website thành “card visit”

Đã qua rồi cái thời mỗi khi muốn giới thiệu về cửa hàng bạn lại phải dùng đến giấy này hồ sơ nọ, rồi những catalouge dày cộm nữa. Chỉ cần một email ngắn gọn có chứa liên kết dẫn đến trang giới thiệu của website là đủ. Tại đây khách hàng vừa xem được những sản phẩm mà bạn kinh doanh, vừa dễ dàng tìm thấy địa chỉ, thông tin liên lạc nếu cần, thậm chí là mua hàng trực tiếp trên trang web. Vì vậy có thể coi website là một dạng “card visit” thời kỹ thuật số.
Hiện nay môi trường mạng tập trung số lượng khách hàng tiềm năng còn lớn hơn môi trường truyền thống hàng chục, hàng trăm lần, vì vậy vấn đề xây dựng thương hiệu trực tuyến là rất cần thiết. Để đưa hình ảnh cửa hàng trở nên phổ biến hơn tại đây thì bạn không thể dùng vài tấm poster hay câu từ đơn giản được, một website chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ quảng bá dễ dàng hơn.
Khi đăng bài trên các diễn đàn, mạng xã hội bạn nên thêm liên kết dẫn về website, vừa kéo lượng truy cập vừa tăng độ nhận diện thương hiệu. Ngoài ra chạy quảng cáo của Google, Facebook, Zalo,… hoặc đặt banner chỉ về trang web cũng là cách tiếp cận khách hàng rất tốt.
  1. Biến website thành trung tâm chăm sóc khách hàng

Thực chất của việc xây dựng thương hiệu là tạo dựng hình ảnh đẹp trong tâm trí người dùng, khiến họ nhớ cửa hàng của mình nhiều hơn. Vì vậy bên cạnh việc phổ biến thương hiệu thì phải làm sao để tạo ấn tượng tốt, khiến khách hàng tin tưởng và trở nên trung thành là điều rất quan trọng. Muốn vậy thì bạn phải tập trung vào khâu chăm sóc khách hàng.
Trong truyền thống, mỗi khi khách hàng muốn thắc mắc thì buộc phải gọi điện hoặc đến tận nơi để được nghe tư vấn, điều này nhiều khi rất bất tiện. Nhưng nếu có website bạn hoàn toàn có thể biến nó thành trung tâm chăm sóc khách hàng trực tuyến. Chỉ cần cài vào web ứng dụng Live Chat thì cả bạn và khách hàng sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, hai bên trò chuyện trực tiếp với nhau để giải đáp vấn đề gặp phải mà không bị giới hạn. Nhờ vậy độ hài lòng của khách hàng về dịch vụ của bạn sẽ tăng lên đáng kể, hình ảnh thương hiệu sẽ được cải thiện.
Qua đây mới thấy, website không chỉ có tác dụng hỗ trợ bạn kinh doanh online mà còn là công cụ hữu hiệu để xây dựng thương hiệu. Điều quan trọng là bạn phải biết khai thác những gì mà website có, vận dụng chúng linh hoạt vào các trường hợp khác nhau.

12 cách để thực hiện đào tạo nhân viên trong công việc hàng ngày (P1)

Mọi người thường nghĩ việc đào tạo nhân viên của doanh nghiệp nhất thiết phải thực hiện một cách bài bản là mở lớp, giảng lý thuyết sau đó mới thực hành. Nhưng đó là một quan điểm cũ, cách tốt nhất để đào tạo công việc cho nhân viên của bạn chính là đào tạo thông qua công việc hàng ngày.

12 cách để thực hiện đào tạo nhân viên trong công việc hàng ngày (P1)
Mọi nhân viên đều mong đợi những cơ hội để họ có thể học hỏi, phát triển kiến thức cũng như kỹ năng trong công việc mà không phải đánh đổi bằng thời gian làm việc hay thời gian riêng tư của họ.
Và bạn có thể sử dụng phương thức đào tạo thông qua công việc hàng ngày để thực hiện các mong muốn đó và có thể biến nó trở thành nhu cầu, thông lệ hay thậm chí thành văn hóa của doanh nghiệp. Không giống như đào tạo ngoài thời gian làm việc, bạn có thể mang tới một hình thức đào tạo đầy hứng thú cho các nhân viên của bạn với hiệu quả không thua kém các hình thức đào tạo của các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo chuyên nghiệp.
Sau đây là 12 cách đào tạo thông qua công việc hàng ngày sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời gian, chi phí cũng nhưng tận dụng được các nguồn lực sẵn có và hơn hết, nó gắn liền với công việc và đem lại hiệu quả rất cao. Nếu bạn chưa từng thử, hay thử nghiệm tại doanh nghiệp của bạn và xem hiệu quả mà nó đem lại, bạn sẽ ngạc nhiên đấy.

1. Kèm cặp nhân viên

Có thể nói quan hệ kèm cặp nhân viên giữa người quản lý và nhân viên dưới quyền là một cách thức mang lại kết quả win – win cho tất cả các bên liên quan: nhân viên, người kèm cặp và doanh nghiệp.
Kèm cặp là một hình thức đào tạo trong công việc hết sức thực tế và hiệu quả thông qua việc theo dõi, hướng dẫn và kịp thời hỗ trợ cho nhân viên của nhà quản lý – người kèm cặp để kịp thời truyền tải những kinh nghiệm quý báu, hoàn hiện các kỹ năng cốt lõi và nâng cao chuyên môn cho nhân viên phục vụ công việc hiện tại cũng như xây dựng nền tảng cho sự phát triển của nhân viên.
Việc kèm cặp từ lãnh đạo hay bất cứ nhân viên dày dạn kinh nghiệm nào cho các nhân viên khác chính là chìa khóa để phát triển nhân lực trong nội tại doanh nghiệp.

2. Định kỳ tổ chức đào tạo nội bộ tổng thể

Đào tạo nội bộ tổng thể là hình thức đào tạo tập trung cho toàn bộ nhân viên doanh nghiệp của bạn trong một thời gian ngắn có thể với sự tham gia của các tác nhân bên ngoài (các chuyên gia tư vấn, dịch vụ đào tạo hay đối tác của bạn) để xây dựng các mối quan hệ phối hợp làm việc cũng như các nhóm làm việc hiệu quả trong doanh nghiệp của bạn.
Về cơ bản, doanh nghiệp của bạn luôn có nhiều bộ phận, và việc phối hợp trong công việc là điều bắt buộc, với hình thức đào tạo này, bạn đang xây dựng các mối liên hệ gắn bó, các cách thức phối hợp cho nhân viên của bạn hay đơn giản hơn là phát hiện những vấn đề nội tại cản trở sự phát triển của tập thể.
Việc đào tạo theo hình thức này là tương đối phức tạp và cần những chuyên gia có kinh nghiệm cũng như kỹ năng phù hợp, nếu bạn không đủ khả năng, hãy tìm kiếm các chuyên gia từ bên ngoài.

3. Xây dựng một văn hóa đọc tại nơi làm việc

Bạn đau đầu tìm kiếm một giải pháp đơn giản để truyền tải kiến thức, kinh nghiệm làm động lực thúc đẩy sự phát triển của nhân viên? Hãy xây dựng văn hóa đọc tại doanh nghiệp, hãy tìm kiếm một nhóm nhân viên tình nguyện để bắt đầu với một số quyển sách liên quan đến công việc mà họ muốn đọc, để họ cùng nhau đọc, tóm tắt lại nội dung, thuyết trình trước lãnh đạo và đồng nghiệp hay thậm chí viết thành các bài báo nội bộ, phát triển dần đến khi nó trờ thành một nét văn hóa của doanh nghiệp. Dần dần bạn sẽ thấy không biết tại sao mọi người đều ham đọc và trao đổi, kiến thức của họ tăng lên, và hơn thế kinh nghiệm, kỹ năng sẽ được học nhanh hơn, bạn sẽ nhanh chóng thấy được sự tiến bộ từ họ.
 

4. Biến người được đào tạo thành người đi đào tạo

Trong một năm có thể doanh nghiệp của bạn sẽ có những “học bổng” để một vài nhân viên có thể tham gia các khóa học nâng cao trình độ bên ngoài, hay đơn giản chỉ là tham dự một lớp nâng cao kỹ năng cơ bản. Nếu bạn không tận dụng họ, khoản đầu tư đó thực sự sẽ không hiệu quả.
Hãy để họ trở thành những giảng viên, truyền đạt lại chính những gì họ đã được học cho đồng nghiệp hay thậm chí cả lãnh đạo. Có thể họ sẽ mang những ý tưởng sáng tạo từ bên ngoài để truyền lại, hay mang đến những phương thức hiệu quả hơn để mở mang kiến thức cho bản thân doanh nghiệp, hay khiêm tốn hơn, họ được thử thách thêm một lần nữa để khẳng định “học bổng” bạn đã cấp là không hề vô ích, họ đã nâng cao được trình độ.
Về hiệu quả chi phí thì việc để một nhân viên được đi đào tạo bên ngoài về truyền đạt lại, truyền tải lại hay đào tạo lại các nhân viên khác hay chính bạn là một hình thức tiết kiệm chi phí không hề nhỏ, chẳng hạn thay vì phải cấp 50 “học bổng” để đào tạo đội ngũ nhân viên, bạn chỉ phải bỏ ra 1 mà vẫn thu lại được hiệu quả cho 50 người, thêm vào đó thời gian làm việc bị mất đi không hề lớn về tổng thể.
Tuy nhiên hình thức đào tạo này yêu cầu người được bạn cử đi đào tạo cần là người có tố chất, khả năng để có thể tiếp thu những tinh hoa từ các sự kiện bên ngoài. Việc cử đi đào tạo chính là cơ hội để bạn phát triển một nhân viên về kiến thức, kỹ năng và cũng là cách bạn tạo ra một chuyên gia đào tạo mới cho doanh nghiệp của bạn.

5. Đề bạt, thăng chức

Việc nâng cao vị trí của một nhân viên thông qua đề bạt, thăng chức có thể coi là một hình thức đào tạo. Vì thăng chức chính là động lực để nhân viên phát triển bản thân, để được thăng chức, nhân viên sẽ có động lực để học hỏi nhiều hơn, rèn luyện nhiều hơn sao cho phù hợp với vị trí mới.
Thậm chí cả sau khi thăng chức thì họ càng phải học hỏi nhiều hơn, và khi ấy bạn sẽ cần đào tạo họ nhiều hơn. Hơn thế, việc nâng vị trí của họ lên một tầm cao mới chính là việc bạn đang đào tạo họ những kiến thức và kỹ năng mới, mở rộng con đường sự nghiệp cũng như tố chất của họ.

6. Luân chuyển

Luân chuyển là một hình thức đào tạo thông qua việc thay đổi tính chất công việc và môi trường làm việc cho nhân viên, giúp họ có được các trải nghiệm khác nhau trong việc xác định con đường sự nghiệp sau này. Việc luân chuyển mang lại cho một nhân viên cũ các kinh nghiệm mới, trải nghiệm mới tại một nơi làm việc mới để họ có cơ hội tự học hỏi, hoàn thiện các kỹ năng còn thiếu sót.
Việc luân chuyển sẽ giúp cho nhân viên có được các cái nhìn mới hơn về tổng thể trong doanh nghiệp, mở rộng các mối quan hệ đồng nghiệp, có được những kinh nghiệm sâu sắc hơn và phát triển các tốt chất tiềm ẩn. Đây là hình thức được rất nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới áp dụng thường xuyên để tìm ra những nhân tài thực sự cho các vị trí quản lý trong tương lai.

Mô hình GROW - Phương pháp huấn luyện nhân viên hiệu quả

Aks Mac - Một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà lãnh đạo là Coaching - huấn luyện và đào tạo nhân viên để họ làm việc đạt hiệu quả cao nhất. Với vai trò này, nhà lãnh đạo sẽ giúp nhân viên học hỏi và cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề, tự đưa ra quyết định tốt nhất và thăng tiến trong sự nghiệp. Mô hình GROW chính là phương pháp hữu hiệu để xây dựng các buổi huấn luyện, tư vấn giữa lãnh đạo và nhân viên.
Mô hình GROW là gì?
Bạn có thể hình dung đơn giản mô hình GROW giống như bản kế hoạch lập cho một chuyến đi xa. Dựa trên lộ trình đã phác ra trước đó, bạn giúp các thành viên trong nhóm quyết định địa điểm họ định đến (Goal - Mục tiêu) và xác định vị trí hiện nay của họ (Reality - Thực tại). Và rồi, bạn suy nghĩ, cân nhắc những lựa chọn khác nhau cho chuyến đi (Options - Giải pháp). Cuối cùng, bạn cần bảo đảm tất cả mọi người đều quyết tâm thực hiện chuyến đi, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho mọi tình huống và trở ngại có thể gặp trên đường (Will – Ý chí).
A
1. Thiết lập mục tiêu:

Đầu tiên, bạn cùng với từng nhân viên sẽ xác định những gì phải thay đổi và nếu phù hợp với định hướng chung của tập thể đội ngũ, hãy lấy đó làm mục tiêu cần phấn đấu. Mục tiêu nên đầy đủ tiêu chí của SMART Goal: cụ thể, tính toán được, trong khả năng, thực tế và có thời hạn.
Một số câu hỏi dành cho nhân viên:
  • Anh/chị muốn đạt được điều gì ở buổi huấn luyện Coaching này?
  • Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của anh/chị? Tại sao lại có sự lựa chọn như vậy? Làm thế nào để biết mục tiêu của mình đã đạt được hay chưa?
  • Anh/chị cần những bước đi cụ thể nào để phục vụ cho mục tiêu dài hạn?
  • Liệu rằng mục tiêu của anh/chị có phù hợp với tổng quan sự nghiệp cá nhân hay định hướng chung của cả tập thể đội ngũ?
2. Đánh giá thực trạng công việc:
Nhiều người thường hấp tấp đi giải quyết vấn đề hay cố gắng sớm hoàn thành mục tiêu mà không có sự phân tích chi tiết về khởi điểm của mình. Bạn cần yêu cầu các nhân viên báo cáo cụ thể tình hình công việc của họ như làm gì, khi nào, kết quả và hiệu quả ra sao.
Một số câu hỏi dành cho nhân viên:
  • Tình hình hiện nay ra sao rồi? Làm gì và làm khi nào? Kết quả và hiệu quả của những gì đã làm?
  • Hãy liệt kê ra vốn hiểu biết hay kỹ năng chuyên môn và đóng góp nổi bật của anh/chị? Anh/chị có đang cảm thấy mình thành công hay không?
  • Nếu có mục tiêu chưa thể đạt được, vậy điều gì đã và đang kìm hãm anh/chị? Thử đánh giá mọi thứ theo thang 1-10 xem mình đang thực sự ở đâu.
3. Tìm kiếm giải pháp: 
Khi đã nắm rõ tình hình công việc của mỗi nhân viên, hãy ngồi cùng nhau thảo luận và bắt đầu đi tìm tất cả những phương án khả thi phục vụ cho mục tiêu đề ra. Chắc chắn bạn sẽ có những giải pháp của riêng mình, nhưng hãy để người nhân viên thoả mái trình bày quan điểm cá nhân trước, nhường đất nói lại cho họ.
Lưu ý rằng, huấn luyện Coaching không phải đào tạo chuyên môn hay tư vấn ghề nghiệp. Nhiệm vụ quan trọng của bạn là dẫn dắt nhân viên đến hướng đi đúng đắn, chứ không phải là đi quyết định hộ họ. Sau khi nhân viên đề xuất giải pháp, hãy hỏi họ cặn kẽ nguyên nhân lựa chọn, ưu nhược điểm như thế nào…
Một số câu hỏi dành cho nhân viên:
  • Anh/chị có thể làm gì tiếp theo? Ưu nhược điểm của từng giải pháp mà anh/chị lựa chọn? Anh/chị sẽ được gì và mất gì?
  • Thách thức gì cho anh/chị khi đi theo hướng giải pháp này để hoàn thành mục tiêu?
  • Những khó khăn đó anh/chị đã từng gặp trong quá khứ chưa? Anh/chị đã giải quyết như thế nào, có thể làm khác đi như thế nào?
  • Nếu là tôi, anh/chị sẽ đưa ra giải pháp gì cho người nhân viên?
  • Giả sử...
4. Hun đúc ý chí: 
Đi đến được giai đoạn này, nhân viên của bạn hẳn đã hình dung rõ ràng cách thức giúp họ hoàn thành mục tiêu của mình. Tuy nhiên vậy vẫn chưa đủ, bạn cần phải có thêm sự cam kết của họ, khơi dậy lòng quyết tâm, ý chí và động lực để biến chúng thành hành động cụ thể phục vụ cho mục tiêu. Hãy hỏi họ về kế hoạch làm cụ thể, về những trở ngại có thể gây khó dễ hay làm sao để duy trì động lực làm việc trong mọi hoàn cảnh.
Bạn cũng nên dành thời gian ngồi lại cùng nhân viên nghe báo cáo công việc, hàng tháng, hàng tuần hay thậm chí hàng ngày. Họ có thể sẽ cần những hướng đi mới khi kế hoạch ban đầu không diễn biến tốt đẹp như kỳ vọng.
Một số câu hỏi dành cho nhân viên:
  • Anh/chị sẽ lên kế hoạch như thế nào để phục vụ mục tiêu? Anh/chị cần làm gì luôn vào thời điểm hiện tại?
  • Những trở ngại gì sẽ gây khó dễ cho anh/chị? Anh/chị sẽ vượt qua chúng như thế nào? Ai có thể hỗ trợ anh/chị và hỗ trợ như thế nào?
  • Đánh giá mức độ cam kết, động lực làm việc của mình lúc này theo thang 1-10? Anh/chị sẽ duy trì hay cải thiện nó như thế nào?
  • Khi nào thì anh/chị cần tổng kết, báo cáo tiến trình công việc? Hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày?
(Nguồn dịch: Mindtools)